Không ít người dùng điện thoại thông minh (smartphone) và PDA thường than phiền về những trục trặc nhỏ nhưng đầy phiền toái của các dòng máy này. Nắm được điểm yếu của những chú dế chạy hệ điều hành (cả Symbian lẫn Windows Mobile) sẽ giúp bạn giảm được những việc khó chịu ngoài ý muốn.
Ưu điểm chung của điện thoại di động (ĐTDĐ) dùng hệ điều hành là người sử dụng có thể tự mình cài đặt, thiết kế hay nâng cấp ứng dụng chiếc máy của mình theo ý thích. Bên cạnh đó, dung lượng bộ nhớ của dòng máy này vốn tương đối lớn, lại có thể mở rộng thêm bằng thẻ nhớ ngoài. Vì thế, có thể ví nó như một chiếc máy tính thu nhỏ, đáp ứng một cách tối đa nhu cầu giải trí của người dùng bên cạnh những chức năng cơ bản là nghe, gọi và nhắn tin.
Tuy nhiên, trước khi sắm một chiếc smartphone, hãy điểm qua một vài nhược điểm thường gặp để tránh bực mình về sau vì “bỗng dưng chiếc máy sao mà không thông minh tí nào!”
1. Ì ạch:
Do phải chạy hệ điều hành, những chiếc smartphone luôn khởi động khá chậm. Việc truy cập vào danh bạ, các phần mềm ứng dụng trong máy thường cũng khá ì ạch do phải chạy các file hệ thống.
2. Treo máy:
Đây là vấn đề thường gặp nhất của những người sử dụng smartphone. Chủ yếu là do người dùng thường cài rất nhiều chương trình cho máy mà không biết rõ xuất xứ cũng như phiên bản đó có thích hợp với chiếc điện thoại của mình hay không. Nhiều chương trình chỉ được sử dụng thử (demo), hết hạn thì tự động không kích hoạt được nữa. Những phần mềm này đều gây tốn bộ nhớ của máy một cách vô hình và gây treo máy do bộ nhớ quá tải.
Lời khuyên dành cho bạn: Chỉ cài những chương trình thật sự cần thiết, khi không dùng một chương trình nào đó nữa hãy xóa sạch nó khỏi máy.
3. Không bật máy được hoặc phần mềm báo lỗi:
Việc cài đặt và xóa phần mềm không đúng cách có thể dẫn đến xóa nhầm hoặc cài thiếu những file hệ thống quan trọng. Đó là lý do của những dòng thông báo “system error” hoặc “application close”, hoặc thậm chí là không bật được máy lên.
Tốt nhất, khi gặp hiện tượng này, bạn hãy cài đặt lại phần mềm bị lỗi hoặc format lại máy và cài đặt lại hệ điều hành.
Lưu ý: Hãy sao lưu lại (back up) những dữ liệu quan trọng và danh bạ điện thoại trước khi format máy.
4. Phần mềm không tương thích:
Nhiều người dùng smartphone hay than phiền về việc cứ chạy chương trình này thì chương trình khác lại gặp sự cố. Các chương trình, phầm mềm cho smartphone có nguồn gốc rất đa dạng, mỗi nhà sản xuất có cách thiết kế riêng, vì thế chuyện chúng “đụng độ” nhau hoặc gây lỗi cho hệ điều hành là khó tránh.
Giải pháp: Tìm hiểu kỹ về chương trình dự định cài vào máy xem chúng có thật sự tương thích với các phần mềm sẵn có và quan trọng hơn của bạn không.
5. Ngốn pin:
Smartphone cần nhiều năng lượng để duy trì trạng thái, chạy hệ điều hành và các chương trình ứng dụng.
Giải pháp: Nếu thường phải sử dụng máy, hãy trang bị thêm một pin phụ hoặc luôn mang theo bộ sạc nhanh bên mình.
Ngoài ra bạn cũng nên lưu ý là hầu phần lớn các phần mềm đang được người dùng Việt Nam “tích cực” tải vào máy đều là những bản crack (bẻ khóa) không có bản quyền. Đây chính là nguyên nhân của nhiều vấn đề phiền phức phát sinh trên smartphone vì các bản crack thường không đầy đủ các file hỗ trợ cho máy. Nếu có điều kiện, hãy sử dụng những phần mềm được cung cấp chính thức, có bản quyền. Những phần mềm này tuy có mắc hơn các bản crack nhưng về lâu dài sẽ tốt hơn cho “chú dế” cưng của bạn.
>>Home